Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

15:30 25/08/2022        1266



Xây dựng đội ngũ cán bộ Tuyên giáo chuyên nghiệp chính là giải pháp căn cốt để ngành Tuyên giáo vượt qua thử thách, hoàn thành nhiệm vụ rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề mà thực tiễn cách mạng đang đặt ra.

Hội thảo khoa học “Công tác Tuyên giáo của Đảng - 90 năm chặng đường vẻ vang: Thành tựu và Tầm nhìn” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì. Ảnh: tuyengiao.vn

NHỮNG YÊU CẦU MỚI

Trên quy mô quốc tế, những biến động to lớn, nhiều mặt của thế giới đã và đang đặt ra cho ngành Tuyên giáo nhiều khó khăn. Trước hết, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã làm cho một bộ phận dân chúng hoài nghi về nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Cán bộ Tuyên giáo - “người gác cổng” trên mặt trận tư tưởng phải chứng minh một cách khoa học và truyền đến dân chúng niềm tin: Tính chất thời đại vẫn không thay đổi và “loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(1). Không chỉ là biến động về chính trị, bước sang thế kỷ XXI, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi tận “gốc rễ” đời sống con người. Bên cạnh một số thuận lợi như dễ dàng tìm kiếm tư liệu, trao đổi thông tin, khảo sát ý kiến..., cuộc cách mạng này mang lại cho những người làm công tác tư tưởng không ít thử thách. Điều này buộc các nhà lý luận phải luận giải nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề tưởng chừng đã giải quyết xong như sứ mệnh của giai cấp công nhân và một loạt các vấn đề mới như an ninh phi truyền thống, chủ quyền quốc gia về thông tin mạng, đời sống thực - đời sống ảo… Thực tế đó cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ Tuyên giáo phải nâng cao năng lực chọn lọc, phản bác thông tin khi luôn phải đối diện với lượng thông tin khổng lồ nhưng phần nhiều là “thông tin rác”. Không chỉ vậy, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, “thổi phồng” và quy chụp những hạn chế của hệ thống công quyền, những sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên thành những khuyết tật mang tính bản chất của chế độ. “Diễn biến hòa bình” đã và đang được tiến hành một cách tinh vi, dưới nhiều hình thức. Thực tế đó đòi hỏi ngành Tuyên giáo phải đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại những luồng thông tin xấu độc và định hướng dư luận.

Với chức năng tham mưu cho Đảng về phương diện lý luận, với trọng trách “đi trước, mở đường” cho thực tiễn, ngành Tuyên giáo phải luận giải không ít vấn đề hóc búa mà cuộc sống đang đặt ra. Không dừng lại ở đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và vấn nạn tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã và đang làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Thực tế ấy đòi hỏi ngành Tuyên giáo phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động cách mạng. Thực tiễn sinh động và cuộc sống ngày càng phong phú nên lĩnh vực hoạt động của Tuyên giáo ngày càng rộng, nhiệm vụ ngày càng nhiều. Trong khi đó, Tuyên giáo cũng như mọi ban, ngành khác trong hệ thống chính trị, đều phải thực hiện yêu cầu tinh giản biên chế. Sự giảm bớt quân số buộc “một người phải làm nhiều việc” nhưng không ít cán bộ Tuyên giáo hiện nay lại là “tay ngang”, tức chưa được đào tạo bài bản về chuyên ngành Tuyên giáo. Song song với đó, ngành Tuyên giáo còn phải đối mặt với nguy cơ hụt hẫng về thế hệ khi các chuyên gia đầu ngành đều đã cao tuổi.

Các đại biểu dự hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019. Ảnh: TTXVN

Sự nghiệp đổi mới đang đi vào chiều sâu trên đất nước ta lại đòi hỏi ngành Tuyên giáo phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách trên các lĩnh vực: công tác lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chỉ đạo và định hướng công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, điều tra, nắm bắt dư luận xã hội, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới cắm mốc, công tác khoa giáo. Để biến thách thức thành cơ hội, nhiệm vụ thành kết quả, ngành Tuyên giáo phải xây dựng đội ngũ cán bộ Tuyên giáo chuyên nghiệp. Thách thức mới, nhiệm vụ mới và đặc thù công việc đòi hỏi cán bộ Tuyên giáo phải có sự vượt trội về phẩm chất, năng lực và phong cách làm việc với những biểu hiện cụ thể sau đây.

Thứ nhất, là người đi “gieo” niềm tin và thuyết phục nhân dân, cán bộ Tuyên giáo phải thực sự vững vàng về tư tưởng - chính trị. Trước những diễn biến của phong trào cộng sản thế giới hay tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, cán bộ Tuyên giáo phải có niềm tin khoa học và lòng trung thành thực sự đối với lý tưởng cộng sản, với định hướng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp Đổi mới của Đảng. Trong mọi hoạt động, cán bộ Tuyên giáo đều phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết và đều hướng tới mục tiêu củng cố nền tảng tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Quan điểm, lập trường của họ phải là sự “hóa thân” từ đường lối, quan điểm của Đảng.

Thứ hai,cán bộ Tuyên giáo phải tinh thông về lý luận, vững vàng về chuyên môn, thành thạo về nghiệp vụ và có sự nhạy cảm chính trị.Sự nhạy cảm không chỉ để thích ứng, phản ứng kịp thời trước thời cuộc mà phải đạt tới trình độ là đưa ra được những dự báo chính xác và phương án giải quyết phù hợp để tham mưu cho Đảng. Nếu cán bộ tuyên truyền thiếu sự kỹ năng dự báo thông tin, họ không thể làm tốt vai trò “đi trước, đi cùng, về sau” sự kiện. Chính sự tinh thông nghề nghiệp, nhạy cảm chính trị sẽ giúp cán bộ Tuyên giáo tránh được các căn bệnh “đuổi theo”, “nói lại”.

Thứ ba, ngành Tuyên giáo phải là “cầu nối” giữa Đảng và dân nên cán bộ Tuyên giáo phải hết sức am hiểu thực tế và có mối quan hệ chặt chẽ với nhân dân. Cán bộ Tuyên giáo phải “nằm lòng” thực tiễn. Muốn “giác ngộ” nhân dân, người cán bộ Tuyên giáo cũng phải nắm được “lòng dân” để “mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(2). Đứng vững trên nền tảng thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở, cán bộ Tuyên giáo sẽ tránh được căn bệnh “lý luận suông”, chủ quan, duy ý chí.

Thứ tư, cán bộ Tuyên giáo phải có phong cách làm việc dân chủ, khoa học, hiệu quả. Lề lối, thái độ, phong thái làm việc thực sự là một bộ phận cấu thành chất lượng đội ngũ cán bộ bởi nó chính là “biểu hiện bề ngoài” của bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức công vụ và năng lực công tác của cán bộ. Để có phong cách dân chủ, cán bộ Tuyên giáo phải biết lắng nghe dân, đối thoại với dân, bàn bạc với dân. Để có phong cách khoa học, cán bộ Tuyên giáo phải làm việc có kế hoạch, đúng giờ, chú trọng việc tổng kết kinh nghiệm và luôn gắn kết lý luận với thực tiễn. Để có phong cách chuyên nghiệp, ngoài sự am tường về chuyên môn, cán bộ Tuyên giáo phải biết sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác. Hiệu quả là thước đo tính chuyên nghiệp của mọi hoạt động, trong đó có hoạt động tuyên giáo.

Thứ năm, cán bộ Tuyên giáo phải thực sự yêu nghề, “say nghề”, kiên trì với nghề. Tuyên giáo là nghề “truyền lửa”, truyền niềm tin mà bản thân cán bộ lại thiếu “lửa”, thiếu nhiệt huyết thì không thể làm tròn nhiệm vụ. 

Chỉ khi tính chuyên nghiệp, lòng tự tôn, ý thức trách nhiệm thấm sâu vào mọi suy nghĩ, hành động thì cán bộ Tuyên giáo mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TUYÊN GIÁO CHUYÊN NGHIỆP

Muốn chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ Tuyên giáo các cấp thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị hữu quan với những biện pháp cụ thể.

Trước hết, về mặt nhận thức, phải quán triệt sâu sắc trong toàn hệ thống chính trị quan điểm “Toàn Đảng làm công tác tư tưởng”, “toàn hệ thống chính trị làm công tác tuyên truyền”. Hoạt động của tuyên giáo rất đa dạng, đối tượng tuyên truyền, vận động của tuyên giáo rất đông đảo nên bất cứ ai “có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng”(3); tuyệt đối không được phó thác, “khoán trắng” công tác tuyên giáo cho đội ngũ cán bộ Tuyên giáo chuyên trách như điều thường diễn ra. Để dân tin vào Đảng, tin vào chế độ, trước hết và trên hết, toàn thể cán bộ, đảng viên phải thực sự liêm khiết, trong sạch và nêu cao trách nhiệm nêu gương. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên giáo, Đảng và nhà nước phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện tác nghiệp cho cán bộ Tuyên giáo, nhất là ở các cơ sở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, việc đầu tư tài chính chưa tương xứng với vai trò của Tuyên giáo và yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt, càng ở cấp thấp, ngân sách dành cho Tuyên giáo càng chiếm tỷ lệ nhỏ. Đảng và Nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc hoàn thiện chính sách, chế độ đặc thù cho cán bộ Tuyên giáo, góp phần giúp mỗi cán bộ Tuyên giáo có thể yên tâm sống bằng nghề.

Hai là, cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ Tuyên giáo.Nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ Tuyên giáo ở các cơ sở đào tạo chính quy là một giải pháp quan trọng cho mục tiêu nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ Tuyên giáo. 

Về nội dung đào tạo, các cơ sở đào tạo phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ Tuyên giáo để xây dựng mục tiêu, chương trình theo nguyên tắc “cung cấp cái người học cần chứ không cung cấp cái người dạy có”. Hoạt động tuyên giáo rất đa dạng, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau như công tác lý luận, tuyên truyền, giáo dục, khoa giáo, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại… cho nên, tri thức truyền tải tại các cơ sở đào tạo phải đảm bảo yêu cầu vừa rộng, vừa sâu vì chỉ trên “phông” văn hóa rộng rãi, kiến thức chuyên sâu mới thực sự vững chắc. 

Về phương pháp đào tạo, cần thay đổi lối dạy áp đặt, nặng về truyền tải thông tin sang dạy cách học, cách nghĩ, cách làm. Tăng cường việc nêu vấn đề, giả định tình huống, phát huy tính sáng tạo, khoa học để phát triển năng lực tư duy độc lập và kỹ năng giải quyết tình huống. Chú trọng công tác thực hành, thực tập, thực tế để người học có thể “thực nghiệp”.

Để đáp ứng các nhu cầu phong phú của công tác tuyên giáo, các cơ sở đào tạo phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo như chính quy, tại chức, bồi dưỡng nâng cao, bồi dưỡng theo chức danh, theo yêu cầu nhiệm vụ ở từng thời điểm… Việc tăng cường hình thức đào tạo trực tuyến cũng là điều cần đẩy mạnh để cán bộ Tuyên giáo dễ dàng cập nhật kiến thức trong mọi hoàn cảnh.

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ Tuyên giáo ở các cơ sở đào tạo chính quy là một giải pháp quan trọng cho mục tiêu nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ Tuyên giáo. 

Ba là, đối với hệ thống các cơ quan Tuyên giáo, muốn có đội ngũ cán bộ Tuyên giáo chuyên nghiệp, các cơ quan chủ quản phải minh bạch hóa, công khai hóa toàn bộ các “khâu” trong công tác cán bộ như tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển… Trong đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ, thông qua công việc và luân chuyển cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh làm nghề cho cán bộ Tuyên giáo, đặc biệt là các cán bộ xuất thân từ các ngành nghề khác.

Các cơ quan Tuyên giáo cũng phải chủ động tạo nguồn, quy hoạch cán bộ để tránh sự hụt hẫng về thế hệ và mất cân đối về cơ cấu. 

Tăng cường tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, “truyền nghề” giữa các lớp thế hệ cán bộ lâu năm - cán bộ trẻ cán bộ trẻ; quan tâm việc kết nối, nâng cao chất lượng chuyên môn thông qua trao đổi, bàn luận với các chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực khác, chính là giải pháp cần thiết để ngành tuyên giáo có nguồn nhân lực tốt.

Bốn là, đối với mỗi cán bộ Tuyên giáo phải luôn tự đào tạo, tự rèn luyện. Ngành Tuyên giáo là một ngành rất đặc biệt: Vừa là chính trị, vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Vì thế, cái tâm, cái đức và cái tầm, cái tài của cán bộ Tuyên giáo phải được biểu hiện thành những tiêu chí đặc thù, cụ thể để cán bộ theo đó mà phấn đấu.

Cái tâm, cái đức của người cán bộ Tuyên giáo trước hết thể hiện ở bản lĩnh chính trị vững vàng, ở sự trung thành với nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước khi nói hay, viết sâu, người cán bộ Tuyên giáo phải viết đúng, nói đúng. Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ phải “giữ chủ nghĩa cho vững” bởi lý tưởng, niềm tin cách mạng sẽ giúp cán bộ chế ngự “lòng ham muốn về vật chất” và đẩy lùi cái tôi vị kỷ để toàn tâm, toàn ý cống hiến cho Đảng.

Mỗi cán bộ Tuyên giáo phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng vì “một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(4), rằng “muốn cải tạo thế giới và cải tạo xã hội thì trước hết phải tự cải tạo bản thân chúng ta”(5). 

Cái tâm, cái đức của người cán bộ Tuyên giáo còn thể hiện ở việc thực lòng hướng về cơ sở, gần gũi với dân; ở tính “cầu toàn” và trách nhiệm cao đối với công việc. Tuyên giáo là một nghề đòi hỏi phải có tri thức tổng hợp, có nhiều kỹ năng và sự trải nghiệm thực tiễn nên muốn hoàn thành tốt công việc của mình, cán bộ Tuyên giáo phải loại bỏ tâm lý “ăn xổi, ở thì”, chấp nhận chịu khó, chịu khổ để rèn luyện kỹ năng làm nghề.

Cán bộ Tuyên giáo phải không ngừng học tập để có sự tinh thông về tri thức, nghiệp vụ; tích cực rèn luyện khả năng nghiên cứu lý luận, nâng cao hàm lượng khoa học trong công tác, rèn luyện kỹ năng “nghe kỹ, nghĩ nhanh, viết rành, nói giỏi”. 

Tư duy đổi mới cũng là “thước đo” tài năng và sự chuyên tâm, trách nhiệm nghề nghiệp của người cán bộ Tuyên giáo. Biết sáng tạo, vượt lên những điều cũ kỹ của người khác và của chính mình, là năng lực mà người cán bộ Tuyên giáo cần phải có. 

Trong xã hội thông tin ngày nay, cán bộ Tuyên giáo các cấp nhất thiết phải biết về công nghệ, có trình độ quản trị mạng, có năng lực khai thác, sàng lọc, xử lý thông tin và đấu tranh chống các luồng tin xấu, độc trên không gian mạng. Mỗi người cán bộ Tuyên giáo phải có ý thức phấn đấu trở thành chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực của mình và góp phần nâng cao "sức mạnh" toàn ngành.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên giáo, Đảng và nhà nước phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện tác nghiệp cho cán bộ Tuyên giáo, nhất là ở các cơ sở vùng sâu, vùng xa.

 

PGS. TS. Trần Thị Minh Tuyết
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

_________________

(1)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, tr.14.

(2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.345, tr. 342.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.284.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.96.

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC