Vang mãi hào khí Quốc khánh 2/9

08:07 03/09/2021        1075



Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2/9/1945 (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Lời thề Độc lập!

Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Thời gian dù đã lùi xa nhưng âm vang của Tuyên ngôn cùng lời thề Độc lập đã khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Trong quá trình ấy, Việt Nam luôn tự hào có một Đảng cách mạng chân chính, có Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ lối, soi đường đưa cách mạng Việt Nam vượt muôn vàn khó khăn, giành nhiều thắng lợi vẻ vang.

76 năm trôi qua, thực hiện lời thề Độc lập đó, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Tiếp đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Chúng ta càng thêm tự hào khi trải qua 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị xã hội ổn định. Độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng; Uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Đặc biệt, năm 2021 cũng là năm Việt Nam và thế giới phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, làm suy giảm nghiêm trọng mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Đồng lòng, chung sức chống đại dịch Covid-19

Cán bộ, chiến sĩ công an hồ hởi lên đường vào TP HCM hỗ trợ chống dịch

Phát huy truyền thống quý báu ấy, trong trận chiến chống dịch Covid-19 ngày nay, với tinh thần “chống dịch như chống giặc," Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi Nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Ngay từ đầu, Việt Nam đã chọn thái độ ứng xử đúng với dịch bệnh là “chống dịch như chống giặc." Nhờ đó, ta có được tâm thế chủ động, đánh giá đúng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà không chủ quan, lơ là, cả ở hai phía: Chính quyền và người dân.

Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân, việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ. Đến nay, Việt Nam đã khống chế thành công cả 3 đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi là tấm gương trong phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4 này, với biến thể delta, dịch bệnh đã lây lan nhanh hơn, khó kiểm soát hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động ngăn chặn, đối phó với dịch bệnh bằng những quyết sách linh hoạt ở từng thời điểm khác nhau.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc, tạo nên sức mạnh và niềm tin để Việt Nam vững vàng vượt qua đại dịch.

Tổng Bí thư kêu gọi: “Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; Đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; Đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; Toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng."

Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19."

Trước đó, tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 ngày 27/5/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Chính vì vậy, không có khó khăn nào mà nước ta không thể vượt qua…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, trên tuyến đầu, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sỹ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm, đi vào những vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân.

Ở cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19.

Những ngày qua, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “mình vì mọi người và mọi người vì mình," “thương người như thể thương thân” đã được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng.

Nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng lên quyên góp hay trực tiếp đến giúp đỡ bà con khó khăn do dịch bệnh. Những siêu thị 0 đồng được thiết lập ở giữa tâm dịch; Những mớ rau, quả trứng… được giao tận tay những người cách ly tại nhà. Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và Nhân dân.

76 năm đã đi qua, Lời thề Độc lập năm 1945 vẫn còn vang vọng như nhắc nhở thế hệ chúng ta hôm nay phải phát huy những thành quả cách mạng, của ông cha để lại, chung sức chiến thắng dịch bệnh, xây dựng đất nước ta ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", xứng danh dân tộc anh hùng, như lời nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: "Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

 

Anh Đức (Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

Link: https://tuoitrethudo.com.vn/vang-mai-hao-khi-quoc-khanh-29-175460.html

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC