Những cô gái đặc biệt vươn lên “toả sáng nghị lực Việt”

14:17 25/01/2023        96



Vượt lên nghịch cảnh, những cô gái khuyết tật đã “toả sáng nghị lực Việt”. Dù cuộc sống đầy gian khó, thách thức nhưng họ vẫn kiên trì viết tiếp ước mơ của mình, hỗ trợ cộng đồng, trở thành tấm gương sáng cho người khác học tập, noi theo.

Chạm vào ước mơ cô giáo

Hoàng Thị Phương sinh ra đã không có đôi bàn chân lành lặn, vì bị nhiễm chất độc da cam. Trải qua nhiều lần phẫu thuật, năm 4 tuổi, Phương mới bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên đầy gian khó.

Tuổi thơ của cô gái luôn bị ám ảnh bởi những lời trêu chọc, gây tổn thương từ bạn bè như: “Con què”, “con tật nguyền” hay “con lùn”. Phương mặc cảm, sống khép mình và không thi lên cấp 3 mà chọn học trường nghề cho người khuyết tật sau khi tốt nghiệp THCS.

Tại trường nghề tỉnh Thanh Hoá dành cho người khuyết tật, Phương có cơ hội gặp gỡ các bạn cùng cảnh. Chính những con người xa lạ ấy đã giúp cô có suy nghĩ rằng, bản thân phải làm gì đó để có thể giúp đỡ được các bạn. Thế rồi, Phương quyết định bỏ ngoài tai những lời dị nghị, quay về thi vào THPT để nuôi ước mơ trở thành một cô giáo đặc biệt.

Cô giáo tương lai Hoàng Thị Phương

Sau khi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2020, cô cũng đỗ vào ngành Giáo dục đặc biệt - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội với số điểm 26.5. Ước mơ trở thành cô giáo của Phương ngày càng gần hơn. Đến nay, Phương đã là sinh viên năm 3 chuyên ngành Giáo dục đặc biệt và rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện, đặc biệt là chương trình dành cho người khuyết tật.

Phương tích cực tham gia các dự án xã hội hướng tới nhóm đối tượng yếu thế trong lĩnh vực bình đẳng giới và quyền con người. Cô làm phim về người khuyết tật trong khuôn khổ dự án Hansd Project; tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ và tiềm năng cho tổ chức người khuyết tật; là diễn giả chương trình “Không khoảng cách”. Phương còn năng nổ hoạt động thiện nguyện trao quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa: “Góp nắng gửi xuân”; “Tháng 3 biên giới”, “Ban mai vùng cao”…

Thạc sĩ Luật Kinh tế

Sinh ra với đôi chân không lành lặn, suốt 12 năm học với chiếc xe lăn là người bạn đồng hành, Nguyễn Lý Hồng Nhung (sinh năm 1990) đã nỗ lực vượt lên, mang lại những giá trị tốt đẹp cho đời thông qua các hoạt động xã hội, thiện nguyện ý nghĩa.

Ngay từ khi còn nhỏ, Nhung đã rất thích học. Cô cho rằng, đi học ở trường lớp không phải là con đường duy nhất để thành công nhưng đó lại là con đường phù hợp nhất với cô. Trong suốt quá trình học tập, Nhung luôn có mẹ ở bên cạnh động viên, an ủi và đồng hành. Nhiều năm liền, cô là học sinh giỏi. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (năm 2008), cô là người đạt điểm số cao nhất toàn trường và được vinh dự nhận giải “Hoa trạng nguyên” lần đầu tiên được tổ chức.

Nguyễn Lý Hồng Nhung (áo hồng)

Nhung đã thi đỗ vào khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ. Ngay từ năm thứ nhất đại học, cô tham gia Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật Đại học Cần Thơ, đồng thời tham gia vào Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ. Tại đây, cô tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, hỗ trợ thanh niên khuyết tật khác tiếp cận với các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước…

Suốt 4 năm học, bên cạnh phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập, cô tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật. Đồng thời, cô tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế sau khi tốt nghiệp cử nhân loại giỏi.

Hiện nay, Nhung làm việc tại phòng Tư pháp huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Trong suốt quá trình công tác của mình, Nhung luôn nỗ lực làm việc bằng tất cả lòng nhiệt tình và trách nhiệm. Bên cạnh đó, cô còn tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa vì người khuyết tật trên địa bàn thành phố Cần Thơ như bán hoa, quà lưu niệm để gây quỹ tặng quà các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn…

Năm 2016, cô được vinh danh là tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thanh niên tỉnh Sóc Trăng. Nhiều năm liên tục, Nhung đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Cô gái kỹ sư máy tính

Nguyễn Thị Xuân (quê ở tỉnh Hà Nam) bị bệnh teo cơ. Cô gái chia sẻ: “Khi là một cô bé 12 tuổi mộng mơ, bỗng tất cả trong tôi sụp đổ khi biết mình mắc bệnh. Tôi đã khóc và nhìn bố mẹ tôi khóc vì sự bất lực của họ. Nhà tôi lúc đó nghèo tới mức tôi rất thèm một bữa cơm có thịt”.

Do gia cảnh nghèo nên Xuân phải tạm dừng việc học để làm nghề thủ công mây, tre, đan phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, không cam chịu chôn vùi thanh xuân của mình ở góc nhà, hay chỉ biết lo cái lợi trước mắt mà bỏ quên đi tương lai của chính mình, năm 2009, Xuân xin bố mẹ cho đi học nghề, để thay đổi bản thân và hòa nhập với xã hội. Học hành chăm chỉ, đạt kết quả tốt, cô trở thành một kỹ sư máy tính giỏi giang.

Bên cạnh đó, Xuân còn tham gia các hoạt động với mục đích cống hiến tuổi trẻ, sức khoẻ, kiến thức của mình để góp phần mang tiếng nói người khuyết tật đối với xã hội.

Nữ kỹ sư máy tính Nguyễn Thị Xuân

Hiện tại, Xuân giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam. Hàng năm, Xuân cùng câu lạc bộ kêu gọi hỗ trợ từ các mạnh thường quân những phần quà giá trị để trao tặng cho người khuyết tật. Xuân kết nối các đơn vị may mặc trên địa bàn tạo việc làm ổn định cho các hội viên, thu nhập hàng tháng từ 3.5 - 5 triệu đồng; thành lập nhóm thiết kế quảng cáo cho Công ty Pixel Việt Nam, với thu nhập hàng tháng 6 triệu đồng/người…

 

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC