Hiệu quả từ phong trào “Ba không – Bốn chống – Năm cần” của Trường Lê Duẩn

09:26 26/07/2020        1521



Thực hiện phong trào “Dân vận khéo” và việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” theo chỉ đạo của Đảng ủy khối các cơ quan thành phố, Đảng ủy Cơ quan Thành đoàn Hà Nội, Trường Lê Duẩn đã triển khai mô hình dân vận khéo có tên gọi là “Ba không – Bốn chống – Năm cần”.    

Đảng viên Trường Lê Duẩn hành trình về khu di tích cách mạng Tân Trào

Mô hình nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mỗi đảng viên, cán bộ viên chức và người lao động trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là các tiêu chí xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong cán bộ, viên chức Trường Lê Duẩn.

Ba không gồm: Không lãng phí thời gian; Không vi phạm giờ giấc; Không lãng phí cơ sở vật chất. Bốn chống gồm:  Chống chủ nghĩa cá nhân; Chống bệnh thành tích; Chống đùn đẩy trách nhiệm; Chống chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Năm cần gồm: Cần tích cực học tập, đổi mới phương pháp làm việc; Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyên môn; Cần trung thực trong công việc; Cần ứng xử giao tiếp văn minh lịch sự; Cần hợp tác , chia sẻ công việc.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Thành đoàn Hà Nội tặng hoa chúc mừng chi bộ Trường Lê Duẩn

Để mô hình đi vào thực tiễn, chi bộ Trường Lê Duẩn đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề, thống nhất tiêu chí của mô hình, triển khai cho đảng viên, cán bộ viên chức người lao động kí cam kết thực hiện; phối hợp với nhà trường và 2 tổ chức chính trị xã hội là Công đoàn và Đoàn Thanh niên tổ chức cho cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động đăng kí và cam kết thực hiện mô hình trong các đợt phát động thi đua đầu năm; tổ chức in pano, backrop về mô hình và treo ở vị trí trang trọng trong mỗi phòng, khoa để hàng ngày cán bộ viên chức người lao động học tập và làm theo.

Cùng với đó, chi bộ đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, viên chức, người lao động Trường Lê Duẩn” theo mô hình “Ba không – Bốn chống – Năm cần”, thu hút 100% đảng viên và cán bộ, viên chức, người lao động của nhà trường tham gia. Buổi sinh hoạt đã thống nhất được các tiêu chí của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Chi bộ cũng đã cùng với nhà trường, công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức lễ kí giao ước thi đua và cam kết thực hiện mô hình; đồng thời, thiết kế tiêu chí của mô hình thành backrop, pano căng treo ở cơ quan và từng phòng làm việc để CBVC và người lao động dễ nhớ, dễ thuộc và tự giác thực hiện.

Đảng viên dự Đại hội Chi bộ trường Lê Duẩn lần thứ XXI, nhiệm kì 2020 – 2022

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong việc triển khai thực hiện mô hình của chi ủy Chi bộ nhà Trường Lê Duẩn là thiết thực, cụ thể, tránh phô trương, hình thức, thực hiện nội dung “Ba không – Bốn chống – Năm cần” gắn với việc xây dựng cán bộ viên chức nhà trường thanh lịch, văn minh và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.

Định kì, chi bộ tổ chức sơ kết thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và mô hình hằng quý, qua đó để đánh giá ưu, khuyết điểm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mô hình tốt hơn trong thời gian tới.

100% đảng viên trong chi bộ tham gia các buổi học tập, quán triệt các nội dung của mô hình. Trong các buổi học tập, quán triệt, chi ủy chi bộ phổ biến, phân tích cụ thể, kĩ lưỡng từng nội dung của mô hình, giúp cho mỗi đồng chí đảng viên hiểu sâu sắc và thấm nhuần mô hình.

Nhằm đánh giá đúng thực trạng, giúp đảng viên thực hiện việc học tập, sinh hoạt chuyên đề, xây dựng kế hoạch cá nhân, bản cam kết thực hiện học tập và làm theo mô hình của tập thể và cá nhân đảng viên đạt hiệu quả; phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm (nếu có) để có giải pháp khắc phục. Sau khi đảng viên tiến hành nộp lại bản cam kết cho chi bộ, Chi ủy Chi bộ đã căn cứ vào kết quả kiểm điểm của từng cá nhân để tiến hành kiểm tra nội dung cam kết của từng đảng viên đảm bảo cam kết đúng, đủ nội dung, đưa ra được hướng khắc phục tồn tại, hạn chế, đặc biệt là mục “Về khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm thời gian qua và qua kiểm điểm, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên cuối năm”.

Chi bộ thường xuyên tiến hành kiểm điểm thực hiện mô hình trong cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lí; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo nhà trường, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tập thể cán bộ lãnh đạo quản lí luôn phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất chính trị tư tưởng, năng lực quản lí, năng lực chuyên môn; xây dựng tập thể đoàn kết thống nhất trong nhận thức và hành động. Quan điểm nói thẳng – nói thật, chỉ rõ những ưu điểm, những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và cách khắc phục trong CBVC được thực hiện dân chủ, nghiêm túc và tập trung.

Chi bộ Trường Lê Duẩn sinh hoạt chuyên đề

Chi bộ nhà trường đã đưa nội dung mô hình này vào sinh hoạt đảng, sinh hoạt cơ quan, đoàn thể. Đồng thời gắn với sinh hoạt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào chương trình sinh hoạt chuyên đề hàng quý, vào mỗi buổi chào cờ sáng thứ hai tuần đầu tại trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin thời sự, phổ biến giáo dục pháp luật; đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên.

100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của trường phải xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo hướng sát thực, đồng thời phải tự giác thực hiện, cuối năm báo cáo kết quả với chi bộ, coi đây là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm.

Chi bộ đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực, thu hút 100% cán bộ, viên chức tham gia như: phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh về mô hình gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức cho cán bộ, viên chức xem các bộ phim tư liệu về Bác Hồ như “Hồ Chí Minh - chân dung một con người”, “Những giây phút cuối đời của Bác”; tổ chức các hoạt động thăm quan, dã ngoại, về nguồn tại các khu di tích lịch sử, di tích cách mạng, các di tích Bác Hồ kết hợp mời báo cáo viên nói chuyện chuyên đề về tấm gương đạo đức của Bác.

Nhà trường đã thực hiện kí Giao ước thi đua “Xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho CBVC” với nội dung mô hình Dân vận khéo “Ba không – Bốn chống – Năm cần”. Bản giao ước là hành động cụ thể và thực tế của mỗi cán bộ, đảng viên trường Lê Duẩn trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên có ý thức trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Công tác tư tưởng được nắm bắt kịp thời, giải quyết thỏa đáng nên không có vấn đề nổi cộm. Chi bộ, các tổ Đảng và toàn thể đảng viên luôn nhận thức rõ ý thức trách nhiệm và nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng, tự giác sửa chữa thiếu sót để xứng đáng là người đảng viên của tổ chức Đảng.

 Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với mô hình Dân vận khéo đã được cán bộ, đảng viên và người lao động trong nhà trường đồng tình hưởng ứng. Qua 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và 2 năm thực hiện mô hình Dân vận khéo đã khẳng định: bước đầu Mô hình Dân vận khéo “Ba không – Bốn chống – Năm cần” đã có tác dụng giáo dục tốt trong cán bộ, viên chức nhà trường. Việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực công tác của nhà trường. Kết quả bước đầu thực hiện đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức, lề lối, tác phong, ý thức trách nhiệm và tinh thần thái độ, lối sống của cán bộ, viên chức. Tạo động lực cho mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động hăng hái làm việc, qua đó cũng nhắc nhở từng người, từng vị trí công tác quan tâm nhiều hơn đến việc giữ gìn, rèn luyện đạo đức, phong cách, lối sống. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên nhà trường, trước hết là người đứng đầu của cơ quan và các cán bộ, đảng viên.

Qua việc theo dõi đánh giá kết quả việc đăng kí thực hiện cam kết và kế hoạch cá nhân về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và mô hình dân vận khéo “Ba không – Bốn chống – Năm cần”, vai trò nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu có chuyển biến, trước hết là việc chủ động xây dựng kế hoạch hành động hàng năm, đề ra công việc, thời gian hoàn thành và nghiêm túc thực hiện các nội dung cam kết về trách nhiệm với cấp ủy cấp trên. Nhìn chung, trong chi bộ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ được nâng lên. Mỗi đảng viên đã có ý thức rèn luyện đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, tác phong, lối sống lành mạnh theo tinh thần “Ba không – Bốn chống – Năm cần”, phong trào thi đua, tinh thần làm việc thực sự đã lan tỏa tới toàn thể CBVC nhà trường tạo thành một tập thể đoàn kết, nhất trí.

Mô hình Dân vận khéo của chi bộ Trường Lê Duẩn đã đạt được kết quả khích lệ; vận động cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động của nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ được giao gắn với phong trào thi đua của cơ quan. Thông qua mô hình, cán bộ viên chức và người lao động của nhà trường đã được tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; giúp nhà trường giải quyết kịp thời, triệt để các vấn đề tư tưởng nảy sinh trong hoạt động của cơ quan. Mô hình đã tạo ra nề nếp làm việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, cơ quan, các đoàn thể chính trị, xã hội mà trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.

Mô hình Dân vận khéo đã góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; đội ngũ cán bộ viên chức người lao động luôn học tập và tự học để nâng cao năng lực, phẩm chất, đáp ứng được nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Thông qua mô hình, chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội trong nhà trường được nâng lên.

Theo TTTĐ

 

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC