“Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp XD và bảo vệ Tổ quốc”

10:56 23/10/2021        1242



“Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp XD và bảo vệ Tổ quốc”

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng với thời gian, con đường huyền thoại với những chiến công hiển hách của lực lượng Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích.

Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển

“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là một nhân tố quan trọng, chiến lược, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. 

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ra sức đàn áp, khủng bố, thực hiện “tố cộng - diệt cộng”, đặt cách mạng miền Nam trước muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Trước tình hình đó, ngày 13/01/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) quyết định chuyển hướng cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Thực hiện Nghị quyết 15, cách mạng miền Nam tập trung đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang; chuyển thế từ bị truy lùng ráo riết sang chủ động tiến công địch cả về chính trị, quân sự. 

Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, táo bạo, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ chủ trương đúng đắn đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện với tinh thần, quyết tâm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, thông tuyến và vận chuyển được vũ khí đến những địa bàn chiến lược, xa hậu phương miền Bắc, vào thời điểm tuyến chi viện Trường Sơn chưa vươn tới. Đó thực sự là kỳ tích trong điều kiện con người, phương tiện của ta, đặc biệt là phải vượt qua sự ngăn chặn, đánh phá quyết liệt của địch.

Những chiến công xuất sắc của Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành kỳ tích lịch sử - một huyền thoại sống động của ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và sức sáng tạo của con người Việt Nam trong cuộc đụng đầu với đế quốc Mỹ xâm lược. Điều đó được thể hiện trong tổ chức, biên chế của “Đoàn tàu không số”.

Bản anh hùng ca về ý chí, sức sáng tạo

Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển giữ vai trò quan trọng đối với mỗi giai đoạn phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng bước hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Trước yêu cầu, đòi hỏi hết sức ngặt nghèo của nhiệm vụ soi đường, mở lối và tổ chức chi viện đường biển cho chiến trường miền Nam, Đoàn 759, sau đó là Đoàn 125 và Đoàn 371 tập trung những cán bộ, chiến sĩ được chọn lựa kỹ càng; vừa có bản lĩnh chính trị tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của quân đội, vừa có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm chỉ huy, điều khiển, làm chủ phương tiện đi biển, đặc biệt luôn mang trong mình tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Theo tiến trình phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vận tải quân sự trên biển ngày đầu chỉ với những con tàu gỗ thô sơ và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt, sau một thời gian hoạt động đã phát triển thành lữ đoàn vận tải, với những phương tiện, trang bị từng bước hiện đại. Từ chỗ chỉ có tàu gỗ, hoạt động ven bờ đã phát triển lên những đội tàu vỏ sắt, hoạt động xa bờ, dài ngày, tận dụng đường hàng hải quốc tế và cả vùng biển nước bạn, đi bằng hàng hải thiên văn, trà trộn vào những tàu thuyền của ngư dân hoạt động ven biển để cập bến an toàn. Mặc dù phải đối mặt với kẻ địch có ưu thế vũ khí, phương tiện chiến tranh kiểm soát trên không, trên biển, nhưng với tinh thần quả cảm, tinh thông nghiệp vụ, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” luôn làm tốt công tác tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng, kết hợp chiến thuật với kỹ thuật; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa sở chỉ huy với tàu, giữa tàu với các bến bãi.

 

Có thể khẳng định, với sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển, hai tuyến vận tải chiến lược trên biển và trên bộ song song hoạt động, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một hệ thống vận tải tương đối hoàn chỉnh, chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, vào giai đoạn cuộc kháng chiến ở miền Nam gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển, “Đoàn tàu không số” đã kịp thời vận chuyển vũ khí, trang bị đến những địa bàn xa hậu phương, sâu trong vùng địch tạm chiếm, bảo đảm cho quân và dân miền Nam “đánh mạnh, thắng to”. Thực tế, với nguồn chi viện ngày càng lớn từ hậu phương miền Bắc, cách mạng miền Nam đã giành được thắng lợi từng bước vững chắc, lần lượt làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của địch. 

Trong suốt 14 năm (1961 - 1975), cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt. Các đơn vị vận tải quân sự trên tuyến đường biển mang tên Chủ tịch  Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, vượt qua sự kiểm soát gắt gao, phong tỏa, đánh phá ác liệt của địch, tổ chức hàng trăm lượt tàu ra khơi, về đích; hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật, khí tài quân sự, hàng hóa, thuốc chữa bệnh; hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Con đường vận tải chi viện chiến lược trên biển đã cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với sóng gió, với mọi khó khăn thử thách, sẵn sàng hy sinh tính mạng, sẵn sàng điểm hỏa khối thuốc nổ đã được bố trí sẵn để hủy tàu, hủy hàng, bảo vệ bí mật con đường, con tàu và bến bãi… Nhiều người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh ở lại với con đường biển, hóa thân thành sóng nước.

Tại Hội thảo “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” diễn ra ngày 19/10 tại Hải Phòng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo Trần Lưu Quang khẳng định, những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã làm nên một thiên anh hùng ca bất tử nói riêng và các cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân ưu tú đã hy sinh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng nhận định: Sự cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên chiến công thể hiện bằng những kết quả cụ thể, với hàng trăm lượt tàu ra khơi, cập bến và về đích an toàn; hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc men; hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến lớn, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Những cán bộ, chiến sĩ của “Đoàn tàu không số” đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển tạo nên nét đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Tổ chức thành công Đường Hồ Chí Minh trên biển, quân và dân ta đã viết nên bản hùng ca về ý chí, sức sáng tạo của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. Qua đó, để lại nhiều bài học kinh nghiệm có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ mới.

Bài học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vốn đã đầy ắp những con số, sự kiện nhưng nó càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong đó chứa đựng những kỳ tích của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Những trang sử hào hùng của Đường Hồ Chí Minh trên biển được tạo nên bởi nhiều yếu tố nhưng yếu quan trọng nhất là tầm nhìn chiến lược của Đảng. Bởi Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhận định, đánh giá đúng tình hình và quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển mà sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, sáng tạo của Đảng và Quân ủy Trung ương đã tạo tiền đề để Đường Hồ Chí Minh trên biển và những cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân giao phó, góp phần vào ngày toàn thắng của dân tộc, kết thúc sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Quyết định mở Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách của lực lượng Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua, đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích; đồng thời, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc cũng như trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo hiện nay.

Theo nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Quyết định mở đường vận tải chi viện chiến trường bằng đường biển thể hiện sự chỉ đạo sát sao và tầm tư duy chiến lược tài tình của Ðảng ta. Ðó vừa là sự kế thừa kinh nghiệm, truyền thống lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời là sự sáng tạo, độc đáo của giá trị nghệ thuật quân sự trong bối cảnh khó khăn, gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đáp ứng yêu cầu cấp bách, có tính sống còn về vũ khí, đạn dược để đánh giặc của phong trào cách mạng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong khi vận tải đường Trường Sơn chưa có khả năng vươn tới được. Tài thao lược của Đảng còn thể hiện ở việc mở tuyến đường vận tải trên biển đúng thời cơ; quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc với những hình thức hoạt động sáng tạo. Đảng và Quân đội ta đã biết dựa vào khả năng to lớn của Nhân dân để vượt qua mọi khó khăn, từng bước đánh bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất. 

Thành công của Đường Hồ Chí Minh trên biển còn thể hiện ở tầm nhìn chiến lược của Đảng trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến. Bởi, cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển tạo nên hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giải quyết nhu cầu của hai hướng chiến lược của chiến trường Nam Bộ (cánh Đông và cánh Tây). Mỗi tuyến vận tải chiến lược có vị trí, vai trò khá độc lập, nhưng đặt trong tổng thể, đã tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch chủ đạo và hoàn chỉnh để chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng quân thù. Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sinh động quyết tâm chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vì mục tiêu: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Là một trong những yếu tố thắng lợi của Đường Hồ Chí Minh trên biển, trên cơ sở nội bộ đoàn kết, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” luôn nêu cao tinh thần gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân. Nhờ đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, xây dựng và phát huy mối quan hệ máu thịt với nhân dân, các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vận chuyển chi viện trên con đường biển được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, đặc biệt là nơi các đơn vị đóng quân, tại các bến bãi giao nhận hàng và bà con ngư dân làm ăn trên các vùng cửa biển, lạch sông yêu thương, quý mến, ủng hộ, giúp đỡ, đùm bọc, cưu mang cả trong lúc bình thường cũng như lúc nguy cấp, bảo vệ được bí mật đơn vị và nhiệm vụ. Mối quan hệ đoàn kết quân dân còn thể hiện trong các nhà máy, xí nghiệp, nơi nghiên cứu, đóng những con tàu vận tải, phục vụ yêu cầu chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam. Do đó, khi có được “bến đậu” trong lòng dân vững chắc, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã tạo nên thành công của con đường biển nối liền miền Bắc với chiến trường miền Nam, góp phần vào những chiến công vang dội của quân và dân miền Nam. Bên cạnh đó, lực lượng làm nhiệm vụ chi viện đường biển còn nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả của bạn bè quốc tế trong chuyên chở, tiếp nhận hàng hóa, vũ khí, cung cấp lương thực, thực phẩm, sửa chữa tàu, thuyền, cứu chữa cán bộ, chiến sĩ bị thương, ốm đau... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, làm nên huyền thoại của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định: 60 năm đã trôi qua, nhưng bài học kinh nghiệm về mở Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo hiện nay.

Thời gian tới, đất nước ta bên cạnh thời cơ, cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực thù địch, các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống, tinh thần chủ động, sáng tạo, bí mật, bất ngờ, táo bạo của “Đoàn tàu không số” năm xưa, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng lực lượng Hải quân với các nghành kinh tế biển và các địa phương ven biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng vững chắc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thông qua những bài học kinh nghiệm, những bài học lịch sử, vận dụng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới, góp phần xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm nhìn chiến lược của Đảng trong xây dựng, phát triển Đường Hồ Chí Minh trên biển cách đây 60 năm vẫn là dấu ấn không thể phai mờ, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hôm nay và mai sau./.

 

 

 

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC