CHUYỂN ĐỔI SỐ, XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI THÔNG MINH - GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ NHẰM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ “VĂN HIẾN - VĂN MINH - HIỆN ĐẠI”

21:21 14/08/2023        185



CHUYỂN ĐỔI SỐ, XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI THÔNG MINH - GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ NHẰM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ “VĂN HIẾN - VĂN MINH - HIỆN ĐẠI” 

Ngày 30/12/2022, Thành uỷ Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Việc triển khai chuyển đổi số thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) để phục vụ 05 nhóm tiện ích gồm: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp phục vụ công trực tuyến, (2) Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Nghị quyết cũng nêu rõ ba quan điểm chỉ đạo lớn của Thành ủy, trong đó nhấn mạnh đến vai trò các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy với việc đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Vì chuyển đổi số không chỉ là bài toán công nghệ đơn thuần mà bản chất là dựa trên công nghệ hiện đại, lực lượng sản xuất mới để thay đổi quan hệ sản xuất, hay cụ thể hơn là để xây dựng lại, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, cách thức vận hành của tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu năng quản lý nhà nước, nâng cao năng suất lao động.

Nghị quyết cũng xác định chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh phải gắn chặt với công tác quy hoạch chung cũng như quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô. Đồng thời xác định việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên để thực hiện có hiệu quả đem lại cuộc sống tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường đô thị thông minh, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: Đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của cơ quan nhà nước; phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một tài nguyên mới để phát triển kinh tế, xã hội.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, từ đầu năm đến nay, công tác chuyển đổi số tại Thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. 100% các cơ quan nhà nước Thành phố đã thực hiện mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Thành phố đang tổ chức triển khai các nền tảng cho phát triển Chính quyền số như: Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (NGSP) theo quy định; Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC). Các hệ thống thông tin, CSDL trong các ngành, lĩnh vực: Giáo dục, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính... được Thành phố giao các Sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.

Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì vận hành khai thác Trang/Cổng thông tin điện tử phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã được xây dựng và đưa vào vận hành thử tại các đơn vị trực thuộc Thành phố từ ngày 11/4/2023. Hệ thống đã cơ bản đáp ứng đầy đủ các chức năng, tính năng theo quy định của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là các yêu cầu mới về xác thực định danh điện tử cho công dân và doanh nghiệp, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Thành phố.

Đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Cơ bản 100% tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công. Trên 1.106 lượt hỏi đáp của doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn qua hệ thống 479 kênh hỗ trợ điện tử đã được tiếp nhận, xử lý kịp thời. Triển khai ứng dụng eTax Mobile đáp ứng nhu cầu tra cứu, nộp thuế trên thiết bị thông minh của người nộp thuế với tổng số lượng tài khoản sử dụng là 183.430.

Đã triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống thông tin báo cáo) phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã cấp được 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc Thành phố; cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử.

Đã tiếp nhận 257 phản ánh kiến nghị qua kênh Zalo, trong đó: 139/257 phản ánh kiến nghị liên quan đến công tác giải quyết TTHC đã được chuyển đến cơ quan chuyên môn để giải quyết và phản hồi cho người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ hoàn thành 100%; 118 phản ánh kiến nghị liên quan tới khiếu nại, tố cáo, các phản ánh về môi trường, rác thải, ô nhiễm...

Thành phố đã thực hiện kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố với các Bộ, ngành theo quy định. 100% cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan của Thành phố được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin trong công việc. Hà Nội đã triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi của Thành phố nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành phố đến 03 cấp trực thuộc Thành phố đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương

Hà Nội đã được xếp loại đô thị đặc biệt, chuyển đổi số cần được gắn chặt với xây dựng chính quyền đô thị theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Việc Thành ủy Hà Nội ban hành nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh không chỉ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 52-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mà còn thể hiện mạnh mẽ quyết tâm vào cuộc của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân, quyết tâm huy động nguồn lực của toàn xã hội, nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô.

Phòng Văn hóa và Thông tin quận

Phường Lê Đại Hành

 

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC