Nỗi lo tiền bạc cuối năm của nhiều người trẻ

10:58 21/10/2022        1497



Nhiều khoản phải chi tiêu

Vào dịp công ty tổng kết cuối năm vào dịp đầu tháng 10, trong khi nhiều đồng nghiệp vui mừng, Phương Linh (25 tuổi, nhân viên hành chính) lại có cảm xúc trái ngược.

“Mình mới đi làm chưa đầy một năm nên thưởng chỉ vài triệu đồng. Từ giờ đến Tết còn 3 tháng, mình sợ lúc đó không đủ tiền sắm sửa cho gia đình, chứ chưa nói tới bản thân”, cô chia sẻ.

Mọi năm, cô gái trẻ vẫn để ra khoảng 15 triệu đồng để tiêu Tết, bao gồm tiền biếu bố mẹ và mua bánh kẹo, đồ trang trí, lì xì các cháu. Năm nay, cô chuyển chỗ ở và đổi công việc nên cần đầu tư nhiều khoản để ổn định cuộc sống mới.

Nỗi lo tiền bạc cuối năm của nhiều người trẻ
Phương Linh cảm thấy áp lực mỗi dịp cuối năm vì nhiều khoản chi tiêu

Làm công việc hưởng lương cứng và khoản thưởng thêm không đáng kể, Phương Linh cho biết dù từ nay đến cuối năm có cố thêm, thu nhập của cô vẫn chỉ ở mức tương đương hàng tháng. Thêm vào nữa, nỗi lo về tiền bạc của cô còn đến từ việc phải đi ăn cưới liên tục.

“Sau 2 năm dịch, bạn bè, đồng nghiệp rục rịch cưới xin. Riêng trong tháng tới, mình có 4 thiệp mời. Giá mừng chung là 500.000 đồng, thân hơn phải một triệu đồng, không đi cũng phải gửi phong bì. Thật sự là đau đầu và áp lực quá”, Phương Linh chia sẻ.

Càng gần cuối năm, Hà Ly (24 tuổi, trợ lý truyền thông) càng phải lo nhiều khoản như chuẩn bị tiền sắm Tết cho gia đình, mừng lì xì, sắm sửa nhà cửa. Trong đó, khoản lớn nhất cô cần trang trải là món nợ của bố mẹ.

“Mỗi tháng, tiền lãi ngân hàng ngang với mức lương mình đi làm. Mình chỉ chờ vào cuối năm cố gắng và thưởng Tết để trả được phần nào cho bố mẹ đỡ lo”, cô nói.

Từ đầu năm nay, Hà Ly đặt mục tiêu tiết kiệm ít nhất 100 triệu đồng phòng thân. Bởi vậy, 3 tháng cuối năm, cô cảm thấy áp lực để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Lý do Hà Ly chưa đạt được mục tiêu tài chính là mỗi tháng bỏ ra 3 - 5 triệu đồng đi học thêm khóa học bên ngoài, chi tiêu quá tay và gửi tiền về cho bố mẹ trả nợ. Cô cũng không áp dụng phương pháp gì để quản lý chi tiêu nên hay bị tùy hứng và mua theo cảm xúc.

Nỗi lo tiền bạc cuối năm của nhiều người trẻ
Với nhiều người trẻ, càng vào những tháng cuối năm, họ không thể nghỉ xả hơi mà phải cố gắng tăng thu nhập hoặc hoàn thành mục tiêu tài chính cá nhân

Để tăng thu nhập, Hà Ly bán thêm một số mặt hàng đồ ăn vặt online nhưng doanh số không đáng kể vì ngày đi làm mệt, tối về ít có thời gian làm thêm. Cô cho rằng cũng có thể bản thân chọn sai hướng kinh doanh, đang ở giai đoạn đầu chịu lỗ nhiều nên hơi nản, vốn cũng chưa lớn nên hay bị đứt dòng tiền.

Ngoài ra, Hà Ly cũng cho biết bố mẹ cô vẫn còn nhiều tư tưởng so sánh “con nhà người ta”. Do đó, không chỉ cuối năm mà mỗi lần về quê, cô lại thấy thêm áp lực vì những câu nói như “A nó mua được ôtô rồi”, “B lương vài chục mỗi tháng”.

Nỗi lo lắng thường trực

Quang Hưng (23 tuổi) có gần 2 năm kinh nghiệm làm freelancer. Chàng trai trẻ từng đi làm fulltime cho một công ty mảng quảng cáo nhưng đã xin nghỉ và quay trở lại công việc tự do từ cuối tháng 8 vừa qua.

Đối với Hưng, vấn đề tài chính là nỗi lo thường trực bởi freelancer không có mức lương cứng, tìm kiếm được khách hàng để dự án thành công mới có chi phí, còn không coi như thu nhập trở về số 0.

Do đó, chàng trai 23 tuổi cảm thấy căng thẳng khi phải hoàn thành chỉ tiêu mình tự đặt ra để cán đích dịp cuối năm. Càng gần thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới, Hưng càng tăng tốc vì có nhiều thứ phải lo, từ giúp bố mẹ sắm sửa đồ đạc đến chuẩn bị quà cáp dịp xuân về. Cuối năm là lúc chàng trai trẻ “cày cuốc” nhiều nhất để có đủ tài chính thực hiện những gì đã vạch ra.

“Mình lớn rồi nên trọng trách với gia đình phần nào nặng hơn. Mình không thể ung dung, cho phép mình nghỉ ngơi sớm mà không cố gắng làm việc thật tốt. Hiện tại, mình chưa hài lòng với mức tài chính và vẫn đang làm việc chăm chỉ”, Hưng nói.

Nỗi lo tiền bạc cuối năm của nhiều người trẻ
Quang Hưng sẽ làm việc hết công suất để hoàn thành mục tiêu kinh tế cá nhân

Chàng trai trẻ cũng thừa nhận mình không phải người luôn đi đúng kế hoạch và biết cách đặt cho mình những mục tiêu tốt. Anh thường có tâm lý thả lỏng, đến đâu tính tới đó, một phần do mới trở lại làm freelancer ít lâu.

“Về quản lý tài chính, mình thường ghi lại những khoản đã chi tiêu ở mục ghi chú. Bên cạnh đó, mình chỉ mua đồ cần thiết hàng ngày, hạn chế sắm áo quần mới mà chỉ cần đủ dùng. Mình tiết kiệm tiền để mua sách và những thứ liên quan đến công việc”, Hưng tiết tiết lộ.

Freelancer 23 tuổi cũng cho hay mỗi khi cảm thấy áp lực về tiền bạc hay lý do nào khác, anh chọn cách im lặng, tắt mạng xã hội, tìm góc nhỏ yên tĩnh để giúp bản thân bớt suy nghĩ và tìm hướng giải quyết.

Hưng nhắn gửi đến các bạn trẻ có ý định đi theo con đường freelancer: “Đây là nghề không hề màu hồng, không phải tự do, thoải mái như mọi người vẫn tưởng. Điều nhất định phải có là sự kỷ luật, tinh thần không ngừng học hỏi, biết lắng nghe để thay đổi bản thân trở nên tốt hơn trong công việc lẫn cuộc sống. Điều quan trọng nhất là về thu nhập.

Ngoài yếu tố giỏi ở lĩnh vực nhất định, mọi người nên tích góp khoản chi phí để phòng thân những lúc ế việc hay chuyển sang làm tự do ở thời điểm cuối năm như mình”.]]

Phạm Thành (Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

Link: https://tuoitrethudo.com.vn/noi-lo-tien-bac-cuoi-nam-cua-nhieu-nguoi-tre-208534.html

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC