Tuổi trẻ Thủ đô và “Hành trình tri ân - Câu chuyện hoà bình”

15:46 24/07/2020        1188



Sáng 24/7, đoàn công tác của Thành đoàn Hà Nội do đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị) để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc.

Hoạt động nằm trong “Hành trình tri ân - Câu chuyện hoà bình” của tuổi trẻ Thủ đô tại tỉnh Quảng Trị diễn ra từ 23 - 26/7/2020.

Hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tại Nghĩa trang Trường Sơn, đoàn đã dâng hương, hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

tuoi tre thu do va hanh trinh tri an cau chuyen hoa binh
Đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, dâng hương, hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn 

Đặc biệt, đoàn công tác đã thăm viếng và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các liệt sĩ của Thủ đô Hà Nội - những người nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt và mãi mãi nằm xuống tại mảnh đất này.

Họ là những tấm gương sáng để mỗi đoàn viên, thanh niên Thủ đô hôm nay khắc ghi, biết ơn, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước.

Đoàn công tác bày tỏ lòng thành kính tới các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc 

Cùng ngày, đoàn đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, thành cổ Quảng Trị.

Tại thành cổ Quảng Trị, đoàn công tác đã nghe hướng dẫn viên kể câu chuyện xúc động về bức thư “thiêng” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết ngày 11/9/1972, trước lúc anh hy sinh 3 tháng 20 ngày. Khi đó anh đang là sinh viên năm thứ tư (trường Đại học Xây dựng), gác bút nghiên lên đường nhập ngũ.

15 năm qua hàng nghìn đoàn hành hương về Thành cổ, hàng triệu người đã khóc, nghiêng mình trước dòng tâm thư của anh Huỳnh gửi về gia đình.

Đoàn công tác của Thành đoàn Hà Nội làm lễ dâng hương tại Nghĩa trang Đường 9, thành cổ Quảng Trị 

Bạn Nguyễn Mai Anh, chuyên viên Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội chia sẻ: “Đến Nghĩa trang Đường 9 và thành cổ Quảng Trị, lắng nghe những câu chuyện về chiến tranh, những đau thương mất mát, sự hy sinh không tiếc máu xương, thanh xuân của thế hệ đi trước chúng tôi vô cùng xúc động”. Thế hệ trẻ hôm nay bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc tới các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hứa sống có trách nhiệm với cộng đồng”.

Đoàn công tác bày tỏ lòng thành kính tri ân tới các anh hùng, liệt sĩ

Thành cổ Quảng Trị là nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, địch đã sử dụng 328.000 tấn bom đạn ném xuống chiến trường này, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ ném xuống 2 thành phố Hirosima và Nagadaki của Nhật Bản năm 1945.

Đoàn công tác được nghe câu chuyện cảm động tại thành cổ Quảng Trị 

Hưởng ứng phòng trào "Ba sẵn sàng" và theo lệnh Tổng động viên, từ năm 1970 - 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ sinh viên Thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Trong hơn 10.000 sinh viên lên đường, đã có hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Trong giai đoạn ác liệt nhất, mỗi ngày, quân ta có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số cho thành cổ Quảng Trị. Mỗi đại đội có từ 90 đến 120 chiến sĩ. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau chỉ còn lại vài người sống sót. Họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, tóc còn xanh, đang ngồi trên ghế giảng đường và mang trong mình bao hoài bão, ước mơ về một ngày độc lập tự do thống nhất cho Tổ quốc. Mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất tại thành cổ Quảng Trị đã thấm đẫm máu xương của hàng ngàn chiến sĩ.

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC