Thủ tướng đối thoại với thanh niên: "Khát vọng thanh niên - vì Tổ quốc giàu mạnh và văn minh"

10:43 12/12/2019        2911



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với thanh niên

Tiếp tục chương trình Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên Hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ 8, nhiệm kỳ 2019-2024, sáng nay (12/12), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi đối thoại với các đại biểu tham dự Đại hội.

Dự chương trình đối thoại có: đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các đồng chí nguyên là lãnh đạo T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 2014 - 2018.

Buổi đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 1.000 đại biểu đại diện cho hơn 9,9 triệu hội viên thanh niên cả nước có chủ đề “Khát vọng thanh niên Việt Nam - vì Tổ quốc giàu mạnh và văn minh”. Đây là dịp để các đại biểu bày tỏ nguyện vọng, hiến kế và thể hiện quyết tâm của thanh niên Việt Nam cùng Chính phủ nỗ lực phấn đấu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đoàn đại biểu Hội LHTN Thành phố Hà Nội gồm 47 thanh niên ưu tú tham dự Đại hội. Các đại biểu trẻ Thủ đô dự kiến sẽ gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc những câu hỏi liên quan đến đời sống giới trẻ, lĩnh vực khởi nghiệp, chính sách hỗ trợ và tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ, cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo cho thanh niên; các vấn đề tình nguyện, chính sách hỗ trợ quyền lợi cho cán bộ Hội LHTN, vấn đề thanh niên yếu thế, thanh niên dân tộc, miền núi...

Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội đặt câu hỏi tại chương trình đối thoại với Thủ tướng Chính phủ

Tại buổi đối thoại, Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN thành phố Hà Nội đặt 2 câu hỏi. Câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Ngày 20/1/2018, Nghị định số 140 về Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được ban hành. Đây là chính sách mang tính đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài. Vậy, xin hỏi Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đến thời điểm này việc, việc thực thi Nghị định này đã đạt được kết quả thế nào?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Đây là câu hỏi mà chính Bộ trưởng vẫn còn băn khoăn. Thực hiện Kết luận 86 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ có tham mưu cho Chính phủ về Nghị định 140 để thu hút sinh viên, học sinh có thành tích học tập giỏi và xuất sắc vào làm việc trong hệ thống chính trị.

Nhưng trong thời gian qua, việc thực hiện nghị định, số người tuyển dụng từ Nghị định 140 không nhiều. Do chính sách đặt ra quá nghiêm ngặt, tính từ hồi phổ thông phải học sinh giỏi cấp quốc gia, đi học nước ngoài thì phải đạt xuất sắc. Có điều kiện này thì không có điều kiện khác.

Tôi thấy quá nhiều điều kiện như thế thì sau hơn 1 năm thực hiện, Bộ Nội vụ sẽ có sơ kết để đề xuất Chính phủ sửa đổi lại để đơn giản hơn và quan trọng hơn là thu hút được người tài, phát huy được năng lực của họ.

Trong chính sách kèm theo, nếu xuất sắc thì tuyển dụng luôn, không qua thi cử nhưng nhiều khi tuyển vào không làm được như những em hiện tại. Kể cả chính sách tiền lương cũng hơn các em khác nhưng nảy sinh so bì những anh em không được tuyển dụng bằng nghị định thì lại làm tốt hơn nên phải sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Trong luật Thanh niên sửa đổi vừa rồi dành 1/3 về chính sách thanh niên nhưng đây là chính sách khung, luật Thanh niên nằm rải rác luật khác thì sẽ cụ thể bằng chính sách. Làm sao áp dụng được Luật thanh niên cho thanh niên trong hệ thống chính trị và ngoài dân lập, không phân biệt trong hay ngoài công lập nữa.

Tôi có lời khuyên với các bạn thanh niên hiện nay cần thay đổi quan niệm về chính sách việc làm, nghề nghiệp. Thanh niên và gia đình từ trước đến giờ mong sao học ở bậc cao nhất nhưng học đại học thì thất nghiệp còn bây giờ xã hội cần nhiều cao đẳng, trung cấp, học nghề thì chúng ta phải theo nhu cầu của xã hội hội. Ngay cả học từ trung cấp, cao đẳng lên đại học thời gian không mất bao nhiêu lại có việc làm, tay nghề vững vàng.

Thứ hai là có tâm trạng mong muốn làm trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Nhưng xin thưa với các bạn, bộ máy hành chính ngày càng thu gọn, thu lại. Thanh niên chúng ta học không phải làm cơ quan nhà nước, đi làm thuê mà quan trọng là thay đổi nhận thức học để làm chủ. Tôi thấy nhiều thanh niên trong thời gian qua, đã tốt nghiệp đại học, làm việc ở cư quan nhà nước nhưng đã từ bỏ công việc trong môi trường nhà nước để về quê khởi nghiệp đóng góp rất thành công, tích cực.

Câu hỏi của Anh Nguyễn Đức Tiến gửi tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay, xuất hiện khái niệm: Đô hộ số và đô hộ trên không gian số. bởi các dữ liệu người Việt bị các công ty nước ngoài thu thập và quản lý. Được biết, Bộ trưởng rất quan tâm ngăn chặn dòng thông tin, dữ liệu người Việt bị các công ty nước ngoài quản lý, với sự ra đời của mạng xã hội người Việt: Gapo, Lotus.

Vậy xin hỏi Bộ trưởng, thời gian tới có chính sách gì quyêt liệt hơn gia tăng bảo vệ thông tin người Việt, và tăng startup người Việt về công nghệ thông tin để Chính phủ, Nhà nước ứng dụng trong quản lý nhà nước?. Những câu hỏi của anh Nguyễn Đức Tiến được Thủ tướng khen ngợi rất hay và nhận được tràng vỗ tay tại hội trường.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nói về chuyển đổi số thì tài sản, tài nguyên chính của chúng ta là dữ liệu, trong đó có cả dữ liệu cá nhân. Việc lạm dụng dữ liệu, đặc biệt dữ liệu cá nhân là mang tính toàn cầu. Lời giải đầu tiên là phải có một thể chế, quy định về dữ liệu cá nhân, lớn hơn là chiến lược quản trị dữ liệu nói chung và dữ liệu cá nhân. Cái này Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, sẽ là câu chuyện chính của năm 2020. Bây giờ xuất hiện các doanh nghiệp nền tảng, ví dụ như mạng xã hội, như các doanh nghiệp công nghệ, kiểu gì họ cũng thu thập dữ liệu, vì là tài sản để kinh doanh. Nếu các nền tảng người Việt đang sử dụng nhiều mà không có doanh nghiệp của người Việt Nam thì dữ liệu đều nằm ở nước ngoài.Vì thế phát triển doanh nghiệp nền tảng Việt Nam đề phòng rủi ro. Bây giờ, các doanh nghiệp, mạng xã hội nước ngoài ở Việt Nam có khoảng 90 triệu người sử dụng. Số lượng người dùng sử dụng mạng xã hội của Việt Nam có khoảng 50 triệu và đã tăng thêm 30% trong mấy năm vừa qua.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Mạng xã hội Việt Nam thì có Zalo, mấy mạng mới ra đời như Lotus, Gapo... có cách tiếp cận mới nhân văn hơn, chia sẻ hơn. Thường các mạng xã hội, ứng dụng có thời gian sống 15 – 20 năm thì lại có cách tiếp cận mới. Nếu duy trì được tăng trưởng 30%, thì đến năm 2020, mạng xã hội nước ngoài và trong nước có số người dùng ngang nhau, khá an toàn. Vậy, chính sách nhà nước thế nào.Thực ra thời gian qua là gần như bảo hộ ngược. Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động như ngoài vòng pháp luật, các mạng xã hội trong nước thì tuân thủ pháp luật. Đến năm 2020 thì gần như không còn chuyện này nữa, vì cùng phải tuân thủ một thể chế pháp luật. Thanh niên thì tìm cái mới, thích cái mới. Chúng tôi mong thanh niên ủng hộ nền tảng Việt Nam, mạng xã hội Việt Nam để dữ liệu ở lại Việt Nam, giảm thiểu rủi ro trong dài hạn.

Tiếp sau câu hỏi của Anh Nguyễn Đức Tiến, các anh chị đại biểu tham dự Đại hội đã đặt thêm các câu hỏi liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

Chị Trần Thị Lệ Chi (đoàn đại biểu TP Đà Nẵng) đặt câu hỏi cho Thủ tướng: Trong 5 năm trở lại đây chúng ta nhắc nhiều đến khởi nghiệp. Tuy nhiên có nhiều bạn khởi nghiệp dù trong tay không có kinh nghiệm, vốn... dẫn đến thất bại, dẫn đến gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Có nên chăng, chúng ta nên định hướng lại việc khởi nghiệp bằng cách kết hợp khởi nghiệp trực tiếp với khởi nghiệp gián tiếp. Khởi nghiệp trực tiếp dành cho những người có nền tảng gia đình, năng lực; còn khởi nghiệp gián tiếp để giúp các bạn chuẩn bị kinh nghiệm sống, kỹ năng để giảm thiểu rủi ro thất bại để có nhiều doanh nghiệp xứng tầm, không phải trả giá bằng thất bại để thành công?

Anh Lý A Tàng, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) cho biết ở khu vực nông thôn, khởi nghiệp sáng tạo rất ít mà chủ yếu là thanh niên lập nghiệp. Thủ tướng có thể xem xét nâng mức vốn cho vay với các mô hình lập nghiệp của thanh niên lên 100 - 200 triệu đồng để khuyến khích thanh niên khu vực nông thôn lập nghiệp?

Trả lời hai câu hỏi liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khởi nghiệp rất quan trọng đối với thanh niên. Nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã rất thành công phát động thanh niên khởi nghiệp. Đây là vấn đề rất cần thiết ở một nước đang phát triển như ở Việt Nam. Thủ tướng nói ông sẽ trả lời vấn đề này và ông cũng cho biết không có khái niệm khởi nghiệp gián tiếp.

Trước đó, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: 5 năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp rất tốt với T.Ư Đoàn trong việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, sinh viên.

Ông Chu Ngọc Anh chia sẻ, anh em chúng tôi bây giờ được giao nhiệm vụ đứng đầu ngành, tin thần hiện nay ngoài dám làm cần thêm vế dám chịu trách nhiệm. Với khát vọng vươn lên, các bạn không chỉ dám chịu trách nhiệm với bản thân mà còn dám chấp nhận rủi ro, thất bại. Chính phủ đồng hành với các bạn bằng thể chế, chính sách nhưng người thực hiện phải là các bạn thanh niên.

Ông Chu Ngọc Anh đồng tình với vấn đề đại biểu Trần Thị Lê Chi nêu, rằng dù phân định khởi nghiệp - khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì ngoài khát vọng phải có sự trang bị thì mới trở thành "chiến binh khởi nghiệp" ở trên nhiều lĩnh vực. Với khởi nghiệp với hướng kinh doanh lập nghiệp cần chú trọng đến lĩnh vực, công việc, địa bàn của mình để có hiệu quả hơn. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải chuẩn bị cẩn thận hơn, muốn bước xa vượt qua chặng đường mạo hiểm thì phải có bản quyền sở hữu trí tuệ, ý tưởng mới về kinh doanh, dựa trên nền tảng tiến bộ kỹ thuật.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời đại biểu thanh niên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục trả lời về vấn đề khởi nghiệp theo phân công của Thủ tướng. Theo ông Đam, khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khác với khởi nghiệp hiểu theo nghĩa khởi sự kinh doanh. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cách tiếp cận rất mới, tạo ra thị trường hoặc phân khúc thị trường mới, và cơ bản dựa trên công nghệ; có tính rủi ro cao nên mới có các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thêm vẫn muốn khuyến khích các bạn thanh niên khởi nghiệp: “Nhiều nhà nghiên cứu nói với tôi, một trong những điểm khác nhau giữa phương Đông và phương Tây là người phương Tây thấy cái gì mới thì cổ vũ, để điều mới được khẳng định, hoặc sẽ thay thế bởi điều mới khác. Còn phương Đông khi có điều mới thì đặt ra nhiều câu hỏi. Điều đó có lợi gì cho mình không? Có khả thi không? Đến khi tìm được câu trả lời thì hết giờ, cơ hội đã qua đi. Tôi cho rằng, cần tiếp tục hun đúc tinh thần lập nghiệp, trong đó có khởi nghiệp sáng tạo thì đất nước mới phát triển được”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói thêm, khởi nghiệp sáng tạo bao gồm cả kinh tế, xã hội, người trẻ, người già, song khởi nghiệp sáng thì tạo ưu tiên người trẻ. “Tôi tin tưởng và mong muốn các bạn thanh niên khởi nghiệp mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nói.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với 1.000 đại diện thanh niên Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, buổi đối thoại hôm nay rất thành công, đã tạo không khí cởi mở chân thành và thẳng thắn: “Qua gần 3 giờ, tôi và đồng chí Vũ Đức Đam, các thành viên Chính phủ, các cơ quan lắng nghe một cách chăm chú những lời nói chân thành đúng mức của thanh niên. Các ý kiến đã đóng góp với Chính phủ về một số định hướng chính sách quan trọng, gợi mở công tác chỉ đạo điều hành một số lĩnh vực thanh niên quan tâm, đặc biệt có nhiều ý kiến đề xuất kiến nghị tốt, chính đáng và đặc biệt có nhiều ý kiến nói lên nghị lực quyết tâm đối với sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc”. “Tôi nghĩ những thành công của Việt Nam, nói một cách đúng mức nhất là có sự đóng góp của lớp lớp thanh niên Việt Nam các thời kỳ, trong đó có các bạn có mặt trong ngày hôm nay”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhiều công nghệ mới xuất hiện, nhưng Việt Nam chưa áp dụng tốt nhất, đầy đủ nhất, đặc biệt là thách thức về an ninh phi truyền thống, vấn đề về môi trường... đặt ra cho Việt Nam thách thức rất lớn lao mà đất nước, dân tộc và thanh niên phải vượt lên. Hội phải tiếp tục huy động sự tham gia đông đảo của thanh niên trong và ngoài nước.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô

Link: https://tuoitrethudo.com.vn/khat-vong-thanh-nien--vi-to-quoc-giau-manh-va-van-minh-d2076800.html

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC