Hiến kế “giải bài toán khó” của Đoàn

19:30 20/08/2019        2161



Tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng chi đoàn” diễn ra tại trường Lê Duẩn, Hà Nội, các cán bộ Đoàn, Bí thư chi đoàn tiêu biểu Cụm Đồng bằng Sông Hồng đã cùng hiến kế, góp ý kiến nhằm xây dựng, phát triển chi đoàn, “giải bài toán khó” của Đoàn.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 20 năm phong trào Thanh niên tình nguyện và Liên hoan Bí thư chi đoàn tiêu biểu làm theo lời Bác Cụm Đồng bằng Sông Hồng năm 2019.

Nhiều khó khăn, hạn chế

Anh Bùi Quang Long, Bí thư Chi đoàn trường Lê Duẩn, TP Hà Nội cho rằng, tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng song thực tế sinh hoạt chi đoàn hiện nay còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hiệu quả các buổi sinh hoạt chi đoàn không cao. Nhiều chi đoàn còn lơ là, buông lỏng sinh hoạt chi đoàn, làm qua loa, đại khái. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cán bộ Đoàn chưa coi sinh hoạt chi đoàn là vấn đề quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức Đoàn; chưa hiểu thế nào là sinh hoạt chi đoàn và nhầm lẫn giữa hai khái niệm “sinh hoạt chi đoàn”, “hoạt động chi đoàn”.

Bí thư chi đoàn tiêu biểu tham dự tọa đàmBí thư chi đoàn tiêu biểu tham dự tọa đàm

Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Ninh Bình Trần Văn Bách khẳng định, từ thực tiễn cho thấy, việc tổ chức tốt sinh hoạt chi đoàn trên địa bàn dân cư đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, thanh thiếu nhi thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Đoàn, cũng như có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung về kinh tế - chính trị - văn hóa, xã hội của địa phương, đơn vị.

Qua kết quả khảo sát, trong tổng số 1.910 chi đoàn trên địa bàn dân cư tỉnh Ninh Bình thì chỉ có 1.134 duy trì được các hoạt động và tổ chức sinh hoạt chi đoàn thường xuyên (chỉ đạt 59,4%); 64 chi đoàn chỉ có bộ khung (chỉ có Bí thư và Phó bí thư). Đặc biệt có một số chi đoàn có hơn 20 đoàn viên nhưng hiện nay chỉ có 3 người tham gia hoạt động, trong đó có một Bí thư và một Phó bí thư.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do đoàn viên thanh niên đi làm ăn xa, đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở luôn biến động, luân chuyển; sự quan tâm của một số cấp ủy địa phương đối với công tác Đoàn chưa thực sự tương xứng; sự ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, làm thay đổi, lệnh lạc tư tưởng của một bộ phận thanh niên, dẫn đến có lối sống thực dụng, thiếu tu dưỡng bản thân và ý thức phấn đấu vươn lên, cá biệt một bộ phận đoàn viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, bị lôi kéo vào các tai tệ nạn xã hội.

Cán bộ Đoàn phát biểu ý kiếnCán bộ Đoàn phát biểu ý kiến

Bí thư Chi đoàn 8 thôn Văn Nhuế, phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phức chia sẻ: "Qua khảo sát các đoàn viên ở địa bàn dân cư Văn Nhuế có thành phần đa dạng, bao gồm những thanh niên mới tốt nghiệp THPT, thanh niên chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thanh niên làm kinh tế hộ gia đình tại địa phương, bộ đội xuất ngũ ... cho nên việc tập hợp những đoàn viên này tham gia sinh hoạt chi đoàn là rất khó khăn".

Bên cạnh đó, theo anh Phức, việc tham gia hoạt động, sinh hoạt của các đoàn viên cơ bản phụ thuộc vào khả năng vận động, sức thu hút của các hoạt động, không có sự ràng buộc liên quan rõ nét đối với quyền lợi của chính đoàn viên… Một nguyên nhân nữa là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc vai trò của đoàn viên thanh niên trong thời kỳ mới, thiếu quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho công tác xây dựng Đoàn mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; một số cơ sở, cấp ủy còn chưa sâu sát trong công tác chỉ đạo hoạt động của chi đoàn.

Giải quyết cách nào?

Với kinh nghiệm nhiều năm làm Bí thư chi đoàn, anh Bùi Quang Long, Bí thư Chi đoàn Trường Lê Duẩn,TP Hà Nội làm rõ khái niệm “sinh hoạt chi đoàn”: là một trong những hình thức sinh hoạt của Đoàn, dưới sự điều hành của Ban Chấp hành chi đoàn, các đoàn viên được thông tin về các vấn đề chính trị, thời sự, văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn… nhằm đạt được mục tiêu giáo dục của Đoàn.

Anh chia sẻ, muốn sinh hoạt chi đoàn hiệu quả cần có công tác chuẩn bị tốt. Trước hết, Bí thư chi đoàn chuẩn bị dự thảo nội dung và hình thức sinh hoạt; Đánh giá kết quả thực hiện công tác của chi đoàn trong tháng, định ra nội dung sinh hoạt kỳ tiếp theo. Ban chấp hành chi đoàn cần hợp thống nhất về nội dung và hình thức sinh hoạt, phân công các ủy viên chuẩn bị nội dung và các điều kiện, công tác hậu cần, cho buổi sinh hoạt; Xác định thời gian, địa điểm phù hợp với đặc điểm tình hình, nội dung của buổi sinh hoạt và thông báo cho đoàn viên…

Empty

Theo anh Long, tiến trình của buổi sinh hoạt chi đoàn được diễn ra theo trình tự cụ thể. Trước hết là ổn định tổ chức, bằng một số tiết mục văn nghệ, điểm danh đoàn viên; Giới thiệu chủ toạ và thư ký. Đại diện Ban chấp hành chi đoàn hoặc đoàn viên được phân công phụ trách chuyên đề trình bày nội dung sinh hoạt. Đoàn viên thảo luận. Đại biểu phát biểu, đối với cuộc họp có mời Đoàn cấp trên, cấp uỷ, chính quyền tham dự để chỉ đạo, định hướng các nội dung có liên quan. Chủ toạ tổng hợp ý kiến và kết luận. Sau đó, Thư ký thông qua biên bản, biểu quyết, kết thúc cuộc họp…

Để đổi mới, nâng cao chất lượng chi đoàn, các đại biểu tham dự đã nêu lên những giải pháp trong thời gian tới. Theo chị Phạm Thị Bình, đại diện đến từ Thành đoàn Hải Phòng, bên cạnh việc đổi mới hình thức sinh hoạt, cũng như cách thức tập hợp đoàn viên, thanh niên thì các tổ chức Đoàn cơ sở cần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn thông qua việc đăng ký thực hiện mô hình chi đoàn mạnh đối với các khối đối tượng, phát huy vai trò của đoàn viên trong xây dựng chi đoàn mạnh.

Empty

Trung úy Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Chi đoàn Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trường Quân sự Quân khu 3 chia sẻ, thực tiễn ở Chi đoàn Đại đội 3 cho thấy, chi đoàn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ thường xuyên, kịp thời, có hiệu quả của cấp ủy, cán bộ chủ trì đơn vị và Đoàn cơ sở cấp trên thì chất lượng sinh hoạt luôn giữ vững định hướng; phát huy sức mạnh của chi đoàn. Đồng thời, đó là cơ sở để chi đoàn xác định những nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác. Đây cũng là yếu tố tham chiếu để chi đoàn xây dựng thời gian biểu cho việc thực hiện các nội dung đã xác định trong kế hoạch.

Bên cạnh đó, việc duy trì nghiêm nền nếp chế độ, nguyên tắc và quy trình sinh hoạt, không ngừng cải tiến nội dung, hình thức, biện pháp sinh hoạt phù hợp với đặc thù của chi đoàn. Trung úy Hoàng Anh Tuấn cho rằng, đây là điều kiện tiên quyết để phát huy sức mạnh trong xây dựng chi đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hiện thắng lợi các nội dung đã xác định; là cơ sở để ban chấp hành chi đoàn quản lý chặt chẽ về chất lượng, tiến độ các công việc đã triển khai...

BÌNH MINH. ẢNH: VƯƠNG ĐỨC (Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

Link: https://tuoitrethudo.com.vn/hien-ke-giai-bai-toan-kho-cua-doan-d2071317.html

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC